Khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt gồm 02 di tích: Điện Tây Sơn và Địa điểm bến Trường Trầu, thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. gắn liền với tên tuổi của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, lãnh tụ của phong trào Tây Sơn, triều đại Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII; được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014).
Các nguồn sử liệu cho biết, tổ tiên Nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở Nghệ An. “Nguyễn Văn Nhạc là người huyện Phù Ly thuộc Quy Nhơn. Tổ tiên vốn là người ở huyện Hưng Nguyên thuộc Nghệ An. Ông tổ bốn đời, vào khoảng niên hiệu Thịnh Đức triều Lê (1653-1657) bị quân ta bắt được đem về an trí ở ấp Tây Sơn nhất thuộc Quy Ninh. Cha của Nguyễn Văn Nhạc là Hồ Phi Phúc dời sang ở ấp Kiên Thành thuộc huyện Tuy Viễn” (Đại Nam chính biên liệt truyện).
Chánh điện
Kết quả của công cuộc di dân, từ thân phận tù binh của chúa Nguyễn là sự ra đời của một số làng ấp người Kinh trên núi rừng Tây Nguyên, trong đó có ấp Tây Sơn, sau phân thành hai ấp: Tây Sơn Nhất và Tây Sơn Nhì (nay là An Lũy và Cửu An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai), là quê hương đầu tiên của họ Hồ, tổ tiên Nguyễn Nhạc trên vùng Tây Sơn thượng đạo của xứ Đàng Trong.
Đến đời ông Hồ Phi Phúc làm nghề buôn bán trầu trên sông Kôn, gặp gỡ và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đồng rồi chuyển cư về quê vợ ở làng Phú Lạc thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Một thời gian sau đó, để tiện việc làm ăn và mua bán, ông bà lại chuyển về làng Kiên Mỹ (nay là khối 1, Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định) sinh sống và sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Khuôn vườn nhà cũ hiện nay của gia đình nhà Tây Sơn là khu di tích Điện Tây Sơn, di tích Cây me, di tích Giếng nước. Từ một tù binh, nạn nhân của cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn, bằng lao động cần cù, ông Hồ Phi Phúc đã góp phần khai hoang, lập thôn ấp và tự gây dựng cho mình một cơ nghiệp khá giả.
Du khách háo hức, tự tay xách nước giếng cổ thuộc Điện Tây Sơn để uống một ngụm, với mong muốn nhận được may mắn
Sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, nhà của gia đình ông bà Hồ Phi Phúc tại làng Kiên Mỹ bị nhà Nguyễn đốt cháy, san bằng. Thời gian sau đó, ngay trên nền nhà cũ, Nhân dân địa phương đã góp công, góp của xây dựng một ngôi đình cao to, bề thế để bí mật thờ Tây Sơn tam kiệt, lấy tên là đình làng Kiên Mỹ. Năm 1946, đình bị cháy, đến năm 1958 - 1960, Nhân dân Bình Khê một lần nữa lại xây dựng một đền thờ mới lấy tên là Điện Tây Sơn, chính thức thờ cúng ba anh em nhà Tây Sơn và tổ chức lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa hằng năm .
Tây Sơn Điện được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, móng xây đá chẻ, vách xây gạch đặc, mái lợp ngói đúc bằng xi măng, diện tích trên 100m2. Điện thờ chính có ba gian, chính giữa thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, bên phải thờ Thái đức Hoàng Đế - Nguyễn Nhạc, bên trái thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ, tả hữu điện thờ các quan văn võ và tổ tiên dòng họ nhà Tây Sơn, hai đầu hồi có giá chiêng, trống để phục vụ tế lễ. Điện có ba dòng cửa bằng gỗ quý, trên đầu cửa chính Điện có ba chữ Tây Sơn Điện, hai bên cửa là câu đối viết bằng chữ Hán.
Tây khê thảo thụ lưu kỳ tích
Nam quốc sơn hà ký võ công.
Từ điện chính có nhà dẫn dài 6m, rộng 3m. Trước nhà dẫn có nhà tứ giác, hai bên có hai hàng cột tròn trang trí hoa văn rồng mây quấn quanh cột, được đính bằng mảnh sứ, thuỷ tinh đủ màu sắc, rất uy nghi. Nhà tứ giác mái cong, góc mái được trang trí hình hoa lá hóa rồng, trên chóp có tạo hình hồ lô, trong nhà tứ giác đặt tượng bán thân Hoàng đế Quang Trung bằng gốm, cao 0,6 mét, sơn đen, trên bục cao 1 mét, trước nhà dẫn có nhà bia hình tứ giác, bên trong đặt một tấm bia xi măng tráng đá mài xanh, nội dung văn bia ca ngợi thân thế sự nghiệp và những chiến công oanh liệt của ba anh em nhà Tây Sơn, trước có cổng điện, cổng chính rộng 3,33m, hai cổng phụ hai bên rộng 1,36 m, cao 4,1m, trên cổng là tấm biển đề ba chữ Tây Sơn Điện, hai bên trụ cổng chính có câu đối cũng viết bằng chữ Hán:
Phi thường sự nghiệp bi thiên cổ
Khoáng thế anh hùng hựu nhật môn
Năm 1998, Nhà nước có xây dựng mở rộng Điện Tây Sơn, Điện thờ xây dựng lại với kiến trúc cổ, khá quy mô và hoành tráng, diện tích gấp ba lần so với Điện thờ cũ, chất liệu bằng bê tông cốt thép, tái hiện các hàng cột to, trính cấu như đình xưa, mái đúc bê tông, dán ngói vảy mũi hài. Trước chính Điện có nhà dẫn như Điện thờ cũ, hai bên có hai hàng cột to và trang trí rồng mây quấn quanh cột rất uy nghi. Trước nhà dẫn đặt tấm bia bằng đá granite màu đỏ, ghi tóm tắt nội dung lịch sử Điện thờ. Cổng Điện giữ nguyên như cũ. Di tích Giếng nước được tôn tạo nhà che hình lục giác, mái bê tông dán ngói vảy, xung quanh cây Me cũng được tôn tạo khang trang hơn trước.
Năm 2004 có đưa về 9 tượng thờ bằng gốm sứ, bên ngoài có dát vàng thật, đặt thờ trong nội điện. Hậu điện có 3 án, ở giữa là án thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; bên phải là án thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc; bên trái là án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Sau các án thờ là bức hoành lớn bằng gỗ có chạm trổ rồng, hoa văn và sơn son thếp vàng. Phía trước, hai bên đầu của ba án thờ có đặt hai giá gỗ để bát bộ binh khí. Hai phía Đông, Tây trong nội Điện đặt các án thờ văn thần võ tướng thời Tây Sơn.
Hiện nay, tại Điện Tây Sơn có tổ chức các ngày hiệp kỵ Tây Sơn (ngày rằm tháng 11 AL), ngày giỗ trận Đống Đa (mùng 5 tháng giêng) đã đã trở thành lễ hội truyền thống và ngày sinh nhật (mùng 5 tháng 5 AL), ngày giỗ (kỵ) Quang Trung (ngày 29 tháng 7 AL). Trong các ngày này, Bảo tàng Quang Trung cùng Ban nghi lễ Điện thờ long trọng tổ chức cúng kỵ theo nghi thức truyền thống. Cán bộ và Nhân dân về dự rất đông để thắp hương tưởng niệm, tri ân Anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và các văn thần võ tướng, có công với đất nước với dân tộc. Hàng năm Di tích Điện Tây Sơn, Bảo tàng Quang Trung đã đón tiếp hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, tham quan và học tập.
Điện Tây Sơn dù đã trải qua thăng trầm theo năm tháng, nhưng được Nhân dân địa phương bao thế hệ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước, góp phần giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay về lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Nguyễn Phước