Sáng ngày 31/3/2024, tại di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà (khu phố Trung Lương, thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương Tượng đài Chiến thắng Núi Bà, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2024).
Các đại biểu mặc niệm trước Tượng đài Chiến thắng Núi Bà tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ,
đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành
kính dâng hoa tại khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà
Dự lễ có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh, huyện Phù Cát, TP Quy Nhơn; Đảng ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn Cát Tiến.
Đại biểu lãnh đạo cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh
dâng hoa tại khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà
Tại buổi lễ các đại biểu kính cẩn mặc niệm trước Tượng đài Chiến thắng Núi Bà để tưởng nhớ anh linh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tiếp đó, các đại biểu thành kính dâng hoa, dâng hương trong Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng dâng hương tại Đền thờ Anh hùng liệt sĩ
tại Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà.
Cao 800m so với mực nước biển, Núi Bà là dãy núi cao nhất và lớn nhất ở vùng đồng bằng Bình Định. Trên núi có 66 đỉnh cao thấp khác nhau, những khối đá khổng lồ đủ hình thù, có nhiều cánh rừng, con suối, các điểm uốn lượn, gấp nếp của các sườn đồi tạo địa hình hiểm trở... Trong kháng chiến chống Mỹ, núi Bà giữ vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt đối với địa bàn khu Đông. Nơi đây từng là căn cứ hoạt động của Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, Thị ủy Quy Nhơn và các huyện ủy An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát. Từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo kháng chiến, mở nhiều lớp đào tạo, huấn luyện lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở cách mạng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn dâng hương tại Đền thờ Anh hùng liệt sĩ
tại Khu di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà.
Núi Bà cũng là bàn đạp mở nhiều đợt tấn công, nổi dậy trong chiến dịch Đồng khởi khu Đông năm 1964, chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968 và cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giải phóng Tx.Quy Nhơn và tỉnh Bình Định. Khu căn cứ Núi Bà là nơi ghi dấu về cuộc sống gian khổ, tinh thần chiến đấu kiên cường và những chiến công hào hùng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Bình Định trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước. Chiến tranh đã đi qua, quê hương đã có nhiều đổi mới, nhưng căn cứ Núi Bà mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền quân và dân Bình Định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Di tích lịch sử và thắng cảnh Khu căn cứ Núi Bà được xếp hạng cấp quốc gia năm 1994, với 22 điểm di tích ở trên dãy Núi Bà thuộc thị trấn Cát Tiến và các xã Cát Hải, Cát Tài, Cát Hưng, Cát Hanh, Cát Thành của huyện Phù Cát.
Đặng Văn Đệ