Gia đình là tế bào của xã hội, nơi nuôi dưỡng, hình thành và giáo dục nhân cách mỗi con người. Gia đình là điểm tựa của mỗi con người vì ở đó có tình yêu, sự chở che vô điều kiện của các bậc làm cha, làm mẹ. Gia đình Việt Nam gắn với những bữa cơm gia đình. Bữa cơm không đơn giản là cung cấp năng lượng cho các thành viên mà nó còn là nơi tạo tình cảm yêu thương gắn bó, gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau. Sau một ngày làm việc vất vả, mỗi người trở về với tổ ấm của mình, bữa ăn chính là lúc vợ chồng, con cái quây quần bên nhau, là dịp để các thành viên trong gia đình chăm sóc lẫn nhau, quan tâm đến sở thích, ý muốn của nhau, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, lao động...
(Tiết mục văn nghệ tại Chương trình "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương"
tổ chức tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định năm 2018)
Ông bà ta có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” con cái từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ dạy cho về phép cư xử, về đạo lý làm người đầu tiên là ở quanh mâm cơm; chẳng hạn như phải biết nhường nhịn dành miếng ngon cho người khác, dạy con trẻ trước khi ăn phải biết quan sát mâm cơm xem đã đủ đồ ăn cho các thành viên trong gia đình hay chưa, sắp xếp thức ăn sao cho hợp lý và sau khi các thành viên trong gia đình ngồi đầy đủ quanh mâm cơm, con cháu phải biết mời ông bà, bố mẹ, người trên... Những quan hệ quanh mâm cơm đã góp phần hình thành giá trị nhân cách cho con trẻ. Đồng thời, bữa cơm là dịp thể hiện sự quan tâm, khéo léo của người phụ nữ. Sự chăm chút bữa ăn, quan tâm đến sở thích của bố mẹ, chồng, con làm cho các thành viên trong gia đình có cái nhìn đầy yêu thương, sống có trách nhiệm với nhau, đó là nền tảng của hạnh phúc gia đình.
Trong cuộc sống bộn bề những lo toan thường nhật, tiềm thức của những người xa quê sẽ mãi ám ảnh những bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên. Ở đó, có những món ăn dân dã nhưng đậm vị ngọt quê nhà. Hình ảnh “canh rau muốn”, “cà dầm tương” như vẫn lay lắt lòng người vốn xuất thân từ những miền quê còn xanh um bóng tre, bóng trúc. Và dù bữa cơm gia đình đạm bạc hay thịnh soạn, cũng không ai quên được hình ảnh người mẹ cần mẫn, lo lắng, chăm sóc từng món ăn cho các thành viên trong gia đình; hình ảnh người cha đầm đìa mồ hôi trên đồng để có thêm chút tiền lo cho bữa cơm đủ chất. Rồi hình ảnh anh, chị em giành nhau miếng cá, rẻo thịt đã vơi trên đĩa trong tiếng cười giòn tan, vô tư... Tất cả những kỷ niệm đó là tình yêu thương vô bờ bến mà các thành viên trong gia đình dành cho nhau.
Mà không riêng gì những người xa quê, trong xu hướng thích nghi với fastfood (món ăn nhanh) trở nên phổ biến ở nhiều đô thị, nhiều gia đình thậm chí cả tuần chẳng có bữa cơm nào đông đủ các thành viên. Cả ở nông thôn cũng đang có xu hướng này. Bố mẹ phải vất vả mưu sinh xa nhà, thậm chí lưu lạc kiếm sống ở nước ngoài nữa nên con cái cứ phải thui thủi ở nhà với ông bà hoặc tự chăm nhau…
Vậy nên, việc sắp xếp để có những bữa ăn mà mọi người có cơ hội cùng ngồi quanh mâm cơm và chia sẻ mọi việc trong gia đình là điều hết sức cần thiết. Có một phương án đưa ra là đối với những gia đình bận rộn bữa cơm gia đình có thể thực hiện vào ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hoặc xây dựng bữa ăn chính của gia đình vào buổi sáng. Có như vậy, gia đình mới là chốn bình yên, hạnh phúc nhất để mỗi thành viên tìm về.
(Một thành viên đang thuyết trình trước Ban Giám khảo về mâm cơm của gia đình mình tại
Chương trình "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương tổ chức tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định năm 2018)
Trên cơ sở đó, phát huy tính tích cực từ những bữa cơm gia đình đoàn tụ, trong nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tuyên truyền, vận động các gia đình tổ chức thực hiện bữa cơm trên toàn quốc vào Ngày Gia đình Việt Nam (giờ chung là 17h - 19h). Trên thực tế, chúng ta vẫn chưa có một con số chính xác là cả nước đã có bao gia đình hưởng ứng nhưng chắc chắn đó sẽ là một kỷ niệm đẹp nhân Ngày Gia đình Việt Nam và đang tiếp tục được duy trì, phát huy trong mỗi gia đình.
Có thể thấy, lan tỏa từ những phút giây đầm ấm và hạnh phúc bên gia đình, đồng thời cũng để tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam, ngành Văn hóa đã có nhiều hoạt động phong phú nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội, kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của gia đình Việt Nam trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững trong cả nước nói chung và ở tỉnh Bình Định nói riêng.
Thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Công tác gia đình đã có hướng dẫn triển khai Tháng hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề: “Gia đình: Nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình”; đồng thời kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 2018, chiều 26.6, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh đã tổ chức Chương trình “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” tại An Nhơn water park (số 96 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bình Định, thị xã An Nhơn), với sự góp mặt của 10 gia đình tiêu biểu đến từ các huyện, thành phố và 15 gia đình đến từ các xã, phường thuộc thị xã An Nhơn. Họ cùng nhau chuẩn bị những bữa cơm gia đình và thuyết trình ý nghĩa mâm cơm tại không gian trưng bày. Điểm giống nhau khá thú vị của các gia đình tại chương trình này là vợ, chồng, con cái đều “lăn” vào bếp.
Anh Đinh Văn Thành (huyện An Lão), thành viên tham gia chương trình, bộc bạch: Các món ăn trong mâm cơm gia đình anh được sơ chế từ các nghiên liệu như cá niên, rau dớn, thịt ngóe… mang đậm đà hương vị của núi rừng An Lão qua đó muốn gửi gắm thông điệp sum vầy trong bữa cơm gia đình là điều mà tất cả mọi người mong muốn được duy trì. Tuy nhiên có thể vì điều kiện học tập, công tác xa nhà, bữa cơm không đầy đủ các thành viên, thì các món ăn trên cũng ít nhiều nhắc nhở mọi người hướng về nguồn cội.
(Gia đình anh Đinh Văn Thành bên mâm cơm tham gia Chương trình "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương")
Ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, chia sẻ: Bữa cơm gia đình trong cuộc sống hiện nay đang bị nhiều gia đình xem nhẹ. Bởi vậy, việc hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và biện pháp duy trì những bữa cơm gia đình trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chủ đề này rất thiết thực và dễ thực hiện để thông qua đó giáo dục đạo đức lối sống cho từng thành viên trong gia đình.
Ông Trương Đông Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh, cho biết: Chương trình Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, được Ban Chỉ đạo tổ chức vào chiều 26.6 là hoạt động hưởng ứng đợt phát động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), nhằm tạo điều kiện để các gia đình giao lưu với nhau, thể hiện cái riêng trong cái chung. Bởi vai trò của gia đình là cực kì quan trọng trong việc định hình nhân cách, đạo đức và lối sống cho mỗi con người, nhất là giới trẻ.
(Ông Trương Đông Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác gia đình, Trưởng ban Tổ chức
trao hoa và Giấy khen cho đại diện hai gia đình đạt Giải A tại Chương trỉnh)
Chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” chắc chắn sẽ còn tiếp tục mở ra bởi nhiều hoạt động cũng như sẽ được chuyển tải bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau trong lĩnh vực công tác gia đình. Bởi hơn hết, với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Vì vậy, việc duy trì bữa cơm gia đình trong mỗi gia đình hiện đại ngày nay là điều cần thiết, là một nét văn hóa truyền thống rất cần được gìn giữ và phát huy./.
(Thanh Thủy)