Sở Văn hóa và Thể thaohttps://svhtt.binhdinh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ ba - 28/09/2021 15:234540
Ngày 10/12/2020, Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức buổi Báo cáo sơ bộ Kết quả khai quật khảo cổ phế tích Tháp Châu Thành (Khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn). Tham dự có Đ/c Tạ Xuân Chánh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; TS. Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam; đại diện một số Sở, ngành liên quan; lãnh đạo UBND phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, cùng phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí. Cuộc khai quật diễn ra trong thời gian gần 2 tháng, từ tháng 10 đến tháng 11/2020. Tổng diện tích khai quật là 164m², bao gồm 3 hố khai quật (1 hố chính và 2 hố thám sát). Tại hố chính, xuất lộ 4 lớp kiến trúc của 4 thời kỳ khác nhau (3 lớp dưới thuộc văn hóa Chămpa và 1 lớp trên cùng thuộc thời nhà Nguyễn và Tây Sơn). Trong đó, lớp kiến trúc ở mặt bằng đầu tiên là hoàn chỉnh với mặt bằng hình chữ nhật có cửa quay về hướng Đông, cho thấy dạng kiến trúc đền thờ, vật thờ là tảng đá thiêng. Các lớp kiến trúc sau được xây dựng kế thừa trên một vị trí, chứng tỏ địa điểm thiêng được lựa chọn để xây dựng công trình kiến trúc.
Cuộc khai quật đã phát hiện rất nhiều di vật, gồm vật liệu xây dựng gạch, ngói âm dương (trang trí hoa văn chải, văn thừng, in ô vuông kiểu Hán, hồi văn), đầu ngói ống (trang trí mặt hề và hoa sen cách điệu), mảnh gốm trang trí kiến trúc, đầu hình sừng bò, đá ong, cùng đồ gốm Champa,… Qua dấu tích khai quật và hiện vật tìm được cho thấy, phế tích Châu Thành có tầng văn hóa dày với nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau, phát triển liên tục từ sớm đến muộn trải dài từ khoảng thế kỷ IV - V đến thế kỷ XIII - XIV bởi người Chăm và sau này của người Việt vào thế kỷ XVIII dưới thời kỳ Chúa Nguyễn và Tây Sơn.
Quang cảnh buổi Báo cáo kết quả khai quật phế tích tháp Châu Thành
Theo TS. Lê Đình Phụng, chủ trì đợt khai quật, tục thờ đá thiêng tìm được trong hố thờ cho thấy tín ngưỡng bản địa của người Champa được kế thừa khi Ấn Độ giáo gia nhập đời sống tinh thần của người Chăm cổ. Với mặt bằng kiến trúc vào thế kỷ IV - V cho thấy, đây là kiến trúc đền thờ ảnh hưởng ban đầu Ấn Độ giáo, phản ánh quá trình phát triển kiến trúc Champa trong lịch sử từ kiến trúc đền sang kiến trúc tháp. Những di vật tìm được như ngói âm dương, đầu ngói ống, hoa văn in ô vuông kiểu Hán, hồi văn phản ánh sự giao lưu văn hóa của cộng đồng người Chăm với văn hóa Trung Hoa. Qua đó, có thể xác định đây là vùng đất mở, hội nhập các yếu tố văn hóa của nhiều nền văn hóa khác nhau, tạo nên sự đặc sắc đa dạng của văn hóa Champa trên vùng đất Bình Định trong lịch sử.
TS. Lê Đình Phụng giới thiệu các hiện vật khai quật tại di tích
Phát biểu tại buổi Báo cáo, Đ/c Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá cao giá trị lịch sử và văn hóa của phế tích Châu Thành, đề nghị chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ di tích; đồng thời giao Bảo tàng tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư nghiên cứu khai quật trong thời gian đến, tiếp đó tiến hành nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích và đề xuất kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị trong tương lai.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới
CHỈ THỊ Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh