Nội dung các vở diễn ca kịch Bài chòi đề tài hiện đại đã khai thác, lột tả một cách chân thực nhiều phương diện cuộc sống thường nhật. Đó có thể là tấm gương hy sinh anh dũng của các chiến sỹ; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng sẵn sàng cống hiến, hy sinh những người con thân yêu của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc; các chiến sỹ công an, bộ đội chung tay cùng nhân dân bảo vệ biên cương, hải đảo; sự hy sinh, tần tảo của những người vợ, người mẹ trong cuộc sống đời thường với gia đình, chồng con; hay là những tệ nạn trong xã hội hiện đại hôm nay (một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất về đạo đức, nhân cách; con cái bất hiếu với cha mẹ, sa ngã vào các tệ nạn xã hội); hơn nữa là “tiếng lòng” của những người trở về từ cuộc chiến đầy đau thương và anh dũng của dân tộc….
Kể từ khi sân khấu ca kịch Bài chòi ra đời, bên cạnh các vở diễn đề tài dân gian, lịch sử, dã sử… thì các vở diễn về đề tài hiện đại thường được dàn dựng và thu hút khán giả. Thực tế đã có rất nhiều vở diễn đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống hiện đại được khán giả ưa thích, từng giành được giải cao trong các kỳ Liên hoan, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Cụ thể như vở “Cuộc đời tôi” của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định (nay là Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), là tấn bi kịch cuộc đời của cô thiếu nữ tên Hương. Vì lòng tự trọng và không tự trọng của những người trong gia đình và xã hội đã xô đẩy cô sa chân vào vòng lao lý. Cha cô đã làm mọi cách để cứu cuộc đời của con gái nhưng đã quá muộn. Vở diễn “Cuộc đời tôi” đạt giải Nhì của Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam năm 2000 về vở diễn sân khấu hay và từng cuốn hút khản giả từ đầu đến cuối mỗi khi xem. Hay vở “Thời con gái đã xa” đề cập đến bi kịch cuộc đời của những cô gái thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn với các nhân vật tên Hạnh, Diễm bị những vết thương cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi khi trở lại cuộc sống thường nhật. Vở diễn đã làm lay động trái tim của nhiều người xem hôm nay và giành Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010.
Một cảnh vở "Binh minh trên đỉnh Pa Rút"
Ngoài ra, các vở: “Đứa con tôi” (Kể về đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc còn nhỏ, được chiến sỹ công an giàu lòng nhân ái tên Đức cưu mang và giúp bé tìm được cha mẹ ruột của mình. Nhưng đau lòng thay vì thói ích kỷ cá nhân, cha mẹ ruột của đứa bé đã từ chối giọt máu mình dứt ruột đẻ ra. Và cuối cùng, đứa bé tìm được mái ấm gia đình trong vòng tay yêu thương của một vị giáo sư bao dung, rộng lượng); “Nửa đời hương phấn” (Đề cập đến số phận của cô gái làm nghề buôn hương bán phấn, là lời cảnh tỉnh cho những ai chạy theo những cám dỗ tầm thường, sẽ dễ sa chân vào cạm bẫy, khó có thể hoàn lương); “Nỗi đau lòng mẹ” (Xoay quanh cuộc đời bất hạnh của một người mẹ hy sinh tất cả vì những đứa con nhưng đến khi các con khôn lớn, trưởng thành lại không nuôi nổi mẹ già lúc chiều tà xế bóng khiến nỗi đau lòng mẹ tràn trề bao năm); “Bình minh trên đỉnh Pa rút” (Ca ngợi hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân đã vượt qua nỗi đau mất cha, dũng cảm chống lại những hủ tục, hành vi vi phạm pháp luật và hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cuộc sống bình yên cho bản làng nơi quê hương anh)… là những vở diễn đề tài hiện đại rất “ăn khách” khi biểu diễn phục vụ bà con nhân dân. Các đề tài đa dạng của cuộc sống thường nhật được phản ánh chân thực, sinh động trên sân khấu Bài chòi đã gây sự xúc động và cuốn hút người xem.
Thực tế cho thấy, việc dàn dựng và biểu diễn về đề tài hiện đại trên sân khấu Bài chòi đã góp phần làm phong phú thêm chương trình kịch mục của ngành ca kịch Bài chòi và hướng đến phục vụ nhiều đối tượng khán giả hơn, nhất là đối tượng khán giả trẻ. Không những vậy, việc phổ biến các vở diễn ca kịch Bài chòi đề tài hiện đại nhằm đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chính trị đối với nước nhà và bắt nhịp với hơi thở của cuộc sống hiện đại, đưa sân khấu truyền thống đến gần hơn với nhân dân. Nhờ đó, sân khấu Bài chòi sẽ cùng “nhịp đập” với trái tim của khán giả hiện đại và “thay lời muốn nói” của họ để có sự đồng cảm, sẻ chia giữa sân khấu và cuộc đời. Đặc biệt là các vấn đề về xã hội hiện đại như: tình yêu, tình người, tình cảm gia đình… rất dễ có sự thấu hiểu, đồng cảm và lôi cuốn khán giả. Công chúng tìm đến nghệ thuật Bài chòi ít nhiều sẽ tìm thấy mình và người thân thông qua các tác phẩm sân khấu đương đại gần gũi và mang tính thời sự hiện nay.
Mặt khác, để “kéo” khán giả đến gần hơn với nghệ thuật Bài chòi thì việc dàn dựng các vở diễn đề tài hiện đại là cần thiết và là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đây là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc trưng nên khi đưa đề tài hiện đại vào sân khấu ca kịch Bài chòi phải dàn dựng, kết hợp lồng ghép thật khéo léo. Mọi yếu tố kết hợp thành vở diễn phải có sự gần gũi, tương đồng với nghệ thuật dân ca Bài chòi, để giữ được cốt cách và vẻ đẹp truyền thống độc đáo của bộ môn nghệ thuật này. Đồng thời, đề tài phản ánh mang tính chân thực, gần gũi với cuộc sống và khán giả hiện đại. Thực tế, các đoàn ca kịch bài chòi trên cả nước hiện nay như: Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Đoàn Ca kịch Bài chòi Quảng Nam và Đoàn Ca kịch Bài chòi Khánh Hòa… cũng đã tiến hành khai thác, phục hồi - nâng cao cũng như dàn dựng mới các vở diễn về đề tài hiện đại nhưng vẫn bám sát các tiêu chí của thể loại sân khấu Bài chòi nhằm đưa “hơi thở” của cuộc sống đương đại lên sân khấu và đã được công chúng nồng nhiệt đón nhận mấy chục năm qua.
Có thể nói, những hình ảnh đời thường, gần gũi với công chúng, những tấm gương người tốt, việc tốt, những cái hay, cái đẹp, cái mới xuất hiện; đồng thời lên án, đả kích những cái xấu, cái ác trong xã hội…, cộng với thế mạnh là những làn điệu Bài chòi đậm chất dân ca miền Trung, ngọt ngào, sâu lắng, dễ đi vào lòng người đã góp phần làm cho sân khấu ca kịch Bài chòi thu hút nhiều đối tượng khán giả đến với nghệ thuật truyền thống.
Bài và ảnh: Thúy Hường