Sáng ngày 14/02/2022 (nhằm ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Dần), tại Di tích cấp quốc gia Đền thờ Đào Duy Từ, thuộc khu phố Ngọc Sơn Bắc, phường Hoài Thanh Tây, Thị xã Hoài Nhơn, Thị ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam Thị xã Hoài Nhơn long trọng tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 450 năm, năm sinh danh nhân văn hóa Đào Duy Từ (1572 - 2022). Tham dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Huỳnh Huyện - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Huỳnh Thị Anh Thảo - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện các sở, ngành của tỉnh và lãnh đạo Thị xã Hoài Nhơn; cùng đông đảo nhân dân địa phương.
Di tích Đền thờ Đào Duy Từ
Đào Duy Từ, hiệu là Lộc Khê, là nhà chính trị, quân sự lỗi lạc và nhà văn hoá, danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, người có công giúp chúa Nguyễn xây dựng cơ nghiệp ở Đàng Trong. Ông quê ở làng Hoa Trai, Ngọc Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa (nay là thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá) vốn là người tinh thông sử sách, có tài văn võ nhưng không được đi thi vì là con nhà ca xướng. Đào Duy Từ rời quê hương vào Đàng Trong lập nghiệp. Ông được quan Khám lý Trần Đức Hòa mến tài gả con gái cho, đồng thời tiến cử lên Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa Sãi phong ông làm Nha uý Nội tán. Được Chúa Nguyễn tin tưởng, trọng dụng, ông đã hết lòng tận tụy giúp chúa Nguyễn về tổ chức quân sự, chính trị, văn hóa.
Ông chủ xướng việc thiết kế và chỉ đạo xây dựng hai công trình phòng thủ quan trọng là Lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (1630) và Lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Đây là chiến lũy quan trọng, giúp chúa Nguyễn có thể phòng thủ hiệu quả trước nguy cơ tấn công của quân Trịnh. Đào Duy Từ giúp chính quyền ở Đàng Trong trở thành nhà nước vững mạnh, đủ sức đương đầu với chính quyền Lê - Trịnh ở phía Bắc và dần mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Sinh thời, ông sáng tác nhiều tác phẩm văn, thơ, cùng nhiều ca khúc rất giá trị, trong đó nổi tiếng với hai ngâm khúc “Ngọa Long cương vãn” và “Tư Dung vãn”. Đào Duy Từ được xem là vị tổ của nghệ thuật tuồng ở Đàng Trong, là người khởi thảo tuồng “Sơn Hậu”. Ông đồng thời là tác giả bộ sách “Hổ trướng khu cơ”, hướng dẫn về binh pháp và cách chế tạo vũ khí - được xem là một trong những bộ sách quan trọng về nghệ thuật quân sự của người Việt Nam. Năm 1634, ông bị ốm nặng và qua đời. Sau khi ông mất, chúa Nguyễn truy phong công thần, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu.
Ghi nhận những công lao đóng góp của ông với nhà Nguyễn, năm Gia Long thứ 4 (1804), Đào Duy Từ được xếp vào hạng Thượng đẳng khai quốc công thần, thờ ở Thái miếu. Năm Gia Long thứ 9 (1810), ông được liệt thờ ở miếu Khai quốc công thần. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Đào Duy Từ được truy phong “Hàm Đông các đại học sỹ”, chức “Thái sư tước Hoằng Quốc Công”. Di tích Đền thờ Đào Duy Từ được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1994.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phạm Trương - Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND Thị xã Hoài Nhơn cho biết, địa phương luôn nỗ lực gìn giữ, bảo vệ di tích Đền thờ Đào Duy Từ, phát huy giá trị trở thành điểm đến giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ trẻ. Thị xã sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành của tỉnh lập quy hoạch chi tiết tổng thể để đầu tư đồng bộ các hạng mục công trình bổ trợ; đồng thời đề nghị nâng cấp di tích trở thành Di tích quốc gia đặc biệt, để xứng tầm giá trị của di tích.
Tin và ảnh: Đặng Văn Đệ