Sau 3 ngày (8 - 10.9) diễn ra sôi nổi, Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023, 5 phần thi văn hóa đã diễn hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng: Liên hoan văn nghệ, trình diễn trang phục truyền thống; giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa; quảng bá văn hóa truyền thống địa phương và chế biến ẩm thực. Những phần thi này để lại nhiều ấn tượng công chúng, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, chung một mái đượm nghĩa đồng bào của các dân tộc miền Trung, đặc biệt đã tạo ấn tượng mạnh với du khách có mặt ở Quy Nhơn trong dịp này.
Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc
Lực lượng tham gia phần thi văn hóa của đơn vị chủ nhà Bình Định là đồng bào Bana K’riêm huyện Vĩnh Thạnh và Chăm H’roi huyện Vân Canh mang đến chương trình liên hoan văn nghệ những tiết mục hòa tấu, song tấu nhạc cụ trống pơnưng, trống kơtoang; trình diễn dân ca, dân vũ mang nét độc đáo riêng. Những chàng trai, cô gái H’rê, Chăm H’roi, Bana K’riêm trình diễn lồng ghép trong phần thi giới thiệu đến công chúng các bộ trang phục ngày thường, trang phục ngày cưới, trang phục dự lễ hội lung linh sắc màu…
|
Du khách nước ngoài tham quan và chụp ảnh lưu niệm cùng đồng bào Bana Kriêm, huyện Vĩnh Thạnh tại gian trưng bày văn hóa truyền thống tỉnh Bình Định. |
Với đồng bào Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh, lễ hội ăn cốm lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn trong năm mang ý nghĩa tạ ơn trời đất, ông bà tổ tiên, đón hồn lúa về làng cầu mong một năm lúa thóc đầy nhà, đời sống bà con buôn làng ấm no, hạnh phúc.
Nghệ nhân nhân dân Đinh Chương (84 tuổi, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh), chia sẻ: “Việc tái hiện trình diễn lễ hội ăn cốm lúa mới tại Ngày hội là cơ hội lớn để quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào Bana K’riêm Vĩnh Thạnh đến với đồng bào các dân tộc anh em, cũng như lời chúc sức khỏe, hạnh phúc đến với du khách gần xa. Đây cũng là dịp để chúng tôi được giao lưu với du khách có mặt ở Quy Nhơn trong dịp này”.
|
Du khách thích thú thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái Đen tỉnh Thanh Hóa. |
Phần quan trọng nhất là thi trình diễn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống. Phần thi được đoàn nghệ nhân, diễn viên của các tỉnh tham gia Ngày hội trình diễn giới thiệu. Qua đó góp phần lan tỏa bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ở mỗi địa phương được rộng rãi hơn. Tỉnh Thanh Hóa quảng bá Lễ hội Chá Mùn của người Thái đen, đơn vị Thừa Thiên Huế với Lễ cúng dâng dèng của đồng bào Tà Ôi, tỉnh Khánh Hòa quảng bá Lễ ăn đầu lúa mới của dân tộc Raglai mộc mạc, tự nhiên, tỉnh Ninh Thuận giới thiệu trích đoạn nghi thức cúng thần linh trong lễ hội Kate...
Ông Ngô Văn Giáo, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ: Với góc nhìn là đơn vị tham gia Ngày hội, chúng tôi đánh giá rất cao công tác tổ chức của tỉnh Bình Định. Chương trình nghệ thuật khai mạc cực kỳ ấn tượng, sân khấu giới thiệu quảng bá được nét đặc trưng của các dân tộc. Đoàn Thừa Thiên Huế có 75 nghệ nhân, diễn viên tham gia với mục đích giới thiệu nét đặc sắc của các dân tộc ở địa phương, chúng tôi cũng học thêm được nhiều cách làm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc. Và đặc biệt chúng tôi ấn tượng sâu sắc với tính cách chân thành của người Bình Định.
Nghệ nhân Bo Bo Hùng, người Raglai, tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Các em trẻ của tỉnh Khánh Hòa rất hăng hái tham gia Ngày hội, chúng tôi đem đến Ngày hội nét đặc sắc của các nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đàn đá. Tại huyện Khánh Sơn, chúng tôi đã có 2 lớp dạy đàn đá cho các em trẻ để giữ gìn nét đẹp bản sắc văn hóa với hơn 100 em tham gia. Bên cạnh đàn đá, chúng tôi còn có đàn chapi gắn bó với người Raglai lên nương lên rẫy.
Cơ hội quảng bá du lịch văn hóa
Các gian trưng bày văn hóa truyền thống của 11 tỉnh tham gia Ngày hội tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), và phần thi hướng dẫn hoạt động du lịch cộng đồng do các đoàn thể hiện vào sáng 10.9 giúp công chúng, du khách cảm nhận rõ nét đời sống, sinh hoạt, văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em miền Trung qua những lời ca, điệu múa, thanh âm nhạc cụ dân tộc, ẩm thực, điểm đến du lịch cộng đồng… để “bỏ túi” cho mình một cẩm nang du lịch.
|
Lễ mừng cốm lúa mới của đồng bào Bana Kriêm, huyện Vĩnh Thạnh hấp dẫn người xem do không khí vui nhộn, ấn tượng với các nhân vật đặc sắc. |
Đồng bào Bana K’riêm làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) đại diện tỉnh Bình Định thi hướng dẫn du lịch đã mời gọi du khách đến với vùng đất được mệnh danh “Đà Lạt của Bình Định” để hòa mình trong không gian hùng vĩ núi rừng xứ ôn đới với nhiều di tích, điểm đến đẹp như: Thành Tà Kơn, thủy điện Vĩnh Sơn, vườn hoa anh đào, vườn rau ôn đới...
Chị Đinh Thị Hơn, thuyết minh phần thi, chia sẻ: “Chúng tôi rất mong muốn sẽ có dịp gặp gỡ, phục vụ nhiều du khách đến trải nghiệm, giao lưu với đồng bào chúng tôi. Tuy cơ sở lưu trú chưa có nhiều, nhưng du khách đến Vĩnh Sơn có thể lưu trú tại nhà dân, sự thân thiện mến khách của đồng bào Bana K’riêm nơi đây sẽ tạo điểm cộng níu chân du khách”.
|
Lễ cưới đồng bào dân tộc Ve tỉnh Quảng Nam trình diễn lễ cưới truyền thống tại gian trưng bày văn hóa truyền thống. |
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa giá trị, đặc sắc là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế tìm đến trong những năm gần đây. Chị Đinh Thị Thìn, thuyết minh phần thi du lịch của đoàn Quảng Nam, cho biết:“Tùy mùa sẽ có lượng khách khác nhau, mùa hè làng chúng tôi chủ yếu phục vụ khách Việt Nam, tháng 9 trở đi thì có khách quốc tế. Từ đầu năm đến giờ, làng đã đón được 500 khách”.
|
Người dân và du khách tham quan mua sản phẩm gốm Bàu Trúc của người Chăm tỉnh Ninh Thuận. |
Tại Ngày hội, tỉnh Ninh Thuận giới thiệu bản sắc văn hóa lâu đời của người Chăm với Lễ hội Kate; sản phẩm gốm Bàu Trúc được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; một số di tích tháp Chăm ở Ninh Thuận; quảng bá làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Mỹ Nghiệp…
Chị Tà Công Thùy Diễm, thuyết minh phần thi du lịch đoàn Ninh Thuận, tâm tình: “Tỉnh Ninh Thuận có người Chăm sinh sống lâu đời. Các bạn trẻ cũng rất tự hào vì mang trong mình dòng máu của người chăm, đi đâu cũng quảng bá văn hóa của người Chăm. Tại Ngày hội, chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều dân tộc trên khắp dải đất miền Trung, mỗi dân tộc đều có những điểm rất đặc biệt”.
|
Sản phẩm gốm Chăm Bình Thuận thu hút du khách đến tham quan, mua làm quà lưu niệm. |
Các hoạt động trình diễn mang đậm bản sắc văn hóa được thể hiện trong 5 phần thi văn hóa đã góp phần tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc miền Trung tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng trong thời kỳ hội nhập…
NGỌC NHUẬN - THẢO KHUY
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=264604