Luật Di sản văn hóa ra đời năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả khá quan trọng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy, phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân; hình thành nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 133 di tích được xếp hạng, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích quốc gia và 97 di tích cấp tỉnh với các loại hình: Di tích lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích những năm qua đã được quan tâm. Thông qua các nguồn kinh phí hỗ trợ khác nhau từ nguồn kinh phí của tỉnh và nguồn xã hội hóa đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, nhiều công trình di tích đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo đạt kết quả tích cực, như: Các dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử, văn hóa liên quan phong trào Tây Sơn: Quy hoạch khu di tích Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung; đầu tư tôn tạo Khu tâm linh tại di tích Đài Kính Thiên; trùng tu, tôn tạo di tích Gò Lăng…
Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc
Riêng với hệ thống di tích tháp Chăm đã thực hiện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích: Tháp Đôi, Tháp Bánh Ít, Tháp Dương Long, Tháp Cánh Tiên, Tháp Bình Lâm, Tháp Thủ Thiện. Trong đó Tháp Dương Long, là di tích quốc gia đặc biệt, mới được trùng tu phục hồi giai đoạn I từ cao độ 12m trở lên. Một số tháp đã trùng tu hoàn chỉnh đang được khai thác phục vụ khách tham quan du lịch như: Tháp Đôi, Tháp Cánh Tiên, Tháp Bánh Ít.... Ngoài ra, nhiều di tích, công trình lưu niệm các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc được đầu tư xây dựng, trùng tu, tôn tạo: Đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc tại Huyện đường Bình Khê, Lăng Mai Xuân Thưởng, Đền thờ Võ Duy Dương, Đền thờ Tăng Bạt Hổ, Đền thờ Đào Duy Từ, Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn, Đền thờ Nguyễn Trung Trực....
Bên cạnh đó, đối với các di tích lịch sử cách mạng, nhiều di tích được đầu tư tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện và huy động các nguồn vốn xã hội hóa như: Biểu tượng địa điểm tập kết ra Bắc, Nhà tù Phú Tài, Khu căn cứ Núi Bà, Núi Chéo, Chiến tắng Đèo Nhơn – Dương Liễu, Nơi thành lập Chi bộ Vạn Đức, Hố Đá Bàn, Nơi thành lập Chi bộ Đề-pô Diêu Trì, Nơi thành lập Chi bộ Hồng Lĩnh, Chiến thắng Chợ Cát, Bãi biển Lộ Diêu, Cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương đang triển khai tôn tạo, phát huy giá trị...
Về hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bình Định tổng cộng 88 di sản, phân theo loại hình gồm: Ngữ văn dân gian: 04; Nghệ thuật trình diễn dân gian: 19; Tập quán xã hội: 29; Lễ hội truyền thống: 17; Nghề thủ công truyền thống: 12; Tri thức dân gian: 07. Trong đó có ba di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là: Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật Bài chòi Bình Định.
Đặc biệt, Bình Định phối hợp với 8 tỉnh, thành miền Trung và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ khoa học quốc gia Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam trình UNESCO và được UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ riêng đối với các tỉnh miền Trung, mà còn góp phần khẳng định bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc Việt Nam; cũng như thể hiện các cam kết của Việt Nam đối với công tác bảo vệ các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nhân loại. Hiện toàn tỉnh có 35 nhóm, 38 câu lạc bộ Bài chòi dân gian ở các huyện, thị xã, thành phố, với trên 180 nghệ nhân thực hành trình diễn, truyền dạy Bài chòi dân gian, thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân và du khách. Công tác truyền dạy Nghệ thuật Bài chòi được chú trọng thông qua các lớp tập huấn biểu diễn Nghệ thuật Bài chòi dân gian mà nòng cốt là các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Việc tổ chức trình diễn Nghệ thuật Bài chòi dân gian được các làng xã phục dựng, biểu diễn ở địa phương vào dịp lễ, tết và đưa vào các hoạt động trong chương trình Ngày hội Văn hóa - Thể thao, hội thi, liên hoan của huyện, của tỉnh.
Ngoài nghệ thuật Bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Bình Định cũng là một trong những cái nôi của nghệ thuật Tuồng. Ngoài Đoàn tuồng Đào Tấn (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, trên địa bàn tỉnh còn có 11 Đoàn Tuồng truyền thống ngoài công lập hoạt động thường xuyên, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá, thưởng lãm nghệ thuật, các dịp hội lễ dân gian truyền thống tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Với hàng chục Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú đang thực hành biểu diễn và truyền dạy các vai diễn mẫu mực, vở diễn kinh điển cho lực lượng nghệ sĩ, diễn viên trẻ nhằm kế tục công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Di sản Võ cổ truyền Bình Định hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ di sản đang thực hành, truyền dạy tại 186 võ đường, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Trong số nghệ nhân đang nắm giữ Võ cổ truyền Bình Định, hiện có 02 đại võ sư quốc tế, 27 đại võ sư quốc gia, 21 võ sư cao cấp, 102 võ sư, 48 chuẩn võ sư, 500 huấn luyện viên. Từ năm 2006 đến nay, Bình Định đăng cai tổ chức thành công 7 kỳ Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, thu hút hàng chục đoàn võ thuật nước ngoài và trong nước, cùng với hàng nghìn võ sư, võ sĩ, võ sinh tham gia. Bên cạnh đó, tỉnh đã có chủ trương xây dựng hồ sơ khoa học Võ cổ truyền Bình Định, trình Chính phủ đề cử UNESCO ghi danh, tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bên cạnh đó, việc tôn vinh nghệ nhân cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai, tỉnh Bình Định hiện có 4 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân; 19 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Trong năm 2021, đang đề nghị Chủ tịch nước phong tặng 4 Nghệ nhân nhân dân và 22 Nghệ nhân ưu tú. Các nghệ nhân được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí thực hành trình diễn, truyền dạy di sản theo chính sách khuyến khích, đãi ngộ của Nhà nước.
Công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản hiện vật bảo tàng, Bảo tàng Quang Trung đang quản lý 11.690 tư liệu, hiện vật (bao gồm hiện vật gốc và hiện vật phục chế) liên quan lịch sử triều đại Tây Sơn, được trưng bày tại nhà bảo tàng để phục vụ khách tham quan. Bảo tàng tỉnh Bình Định đang lưu giữ hơn 15.000 hiện vật. Đáng chú ý, Bình Định hiện có 08 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia, trong đó Bảo tàng tỉnh lưu giữ 05 bảo vật; Chùa Phật Lồi, xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn lưu giữ 01 bảo vật; Chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn lưu giữ 02 bảo vật.
Hiện nay, nhiều di tích đã được khai thác gắn với phụ vụ du lịch như: Di tích Tháp Đôi, Bảo tàng Quang Trung… thu hút nhiều người dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Các di sản văn hóa được đầu tư nghiên cứu, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và tạo nên các sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh Bình Định ngày càng tăng, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có thể nói, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là thúc đẩy chuyển các giá trị văn hóa thành giá trị phát triển, khai thác tối đa giá trị phát triển của các sản phẩm văn hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.