THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ĐỒNG Ý XÂY DỰNG HỒ SƠ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH TRÌNH UNESCO

Thứ sáu - 22/10/2021 10:58 998 0
       Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Võ không chỉ đơn thuần nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người mà thông qua việc tập luyện võ nghệ còn khơi dậy lòng tự hào truyền thống thượng võ của dân tộc, tính nhân văn của con người Việt Nam.
 
XayDungHoSoVanHoaPhiVatThe
Khai mạc Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam lần thứ VII - 2019

       Đất võ Bình Định còn để đời trong các truyền thuyết về Phong trào Tây Sơn, các giai thoại về các làng võ phong phú. Nổi bật là các vùng đất nổi tiếng: “Trai An Thái, gái An Vinh”, “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh”. Võ cổ truyền Bình Định là sự kết tinh và hòa quyện cao độ giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau và quy tụ nhiều anh hùng hào kiệt, nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng tạo nên sức mạnh tổng hợp, chắt lọc tìm ra cái tinh tuý nhất để bồi đắp, bổ sung vào kho tàng di sản võ học của dân tộc. Võ cổ truyền Bình Định thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong (tinh, khí, thần) với bên ngoài cơ thể (thủ, nhãn, chỉ và thân); vận dụng triệt để học thuyết âm - dương, lấy phép ngũ hành và phép bát quái làm nguyên lý cơ bản của “Song thủ ngũ hành vi bản”, “Lưỡng túc bát bộ vi căn” là cơ sở võ lý cho luyện tập bộ tay và bộ chân trong Võ cổ truyền Bình Định: Tấn pháp trong bát quái và Thủ pháp trong Ngũ hành, có sự phối hợp cả hai phương diện ngoại công và nội công. Về võ đạo, ngoài những đức tính mà con người đề cao trong rèn luyện đạo đức là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, võ đạo còn thể hiện ở các mặt truyền thống: thượng võ, chống ngoại xâm, uống nước nhớ nguồn, trọng nhân nghĩa,…
       Nội dung Võ cổ truyền Bình Định vô cùng phong phú, đa dạng với 4 nội dung cơ bản là: luyện công, quyền thuật, võ với binh khí, luyện tinh thần. Quyền còn gọi là thảo bộ hay quyền tay không, bao gồm Cương quyền và Nhu quyền. Võ tay không chia thành 4 nhóm: Võ thể dục, võ tự vệ, võ tỷ thí và võ chiến đấu. Loại binh khí rất cơ bản được lưu hành khá phổ biến ở Bình Định là côn (tiếng địa phương gọi là roi) với nhiều “phách roi” độc đáo chỉ có ở Võ cổ truyền Bình Định: “Đâm so đũa”, “Đá văn roi”, “Phá vây”, “Roi đánh nghịch”,... Võ Bình Định có “Bài kiếm 12” nổi tiếng gồm 12 động tác được rút tỉa trong nhiều bài kiếm tiêu biểu của Bình Định để hình thành một cách ngắn gọn, dễ tập, dễ nhớ, được đưa vào luyện tập và thực hành chiến đấu đạt hiệu quả cao trong các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở địa phương. Trong các bộ môn về quyền thuật, “Ngọc Trản” là bài quyền tiêu biểu với những bí quyết võ công vô giá. Để thực hành được một cách nhuần nhuyễn, phải tính đến công sức luyện tập cả về thể chất và ý thức nhằm tạo được sự thống nhất thành một ý niệm duy nhất, như tính thuần khiết của viên ngọc. Đó chính là bí quyết khổ luyện của lối quyền âm - dương trong Ngọc Trản công.
       Võ cổ truyền Bình Định không chỉ đơn thuần nhằm nâng cao thể chất của con người, rèn luyện kỹ năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần mà còn hướng tới các giá trị cụ thể:
       1. Khơi dậy lòng tự hào về truyền thống thượng võ của dân tộc: trong làng võ, người học võ trước tiên phải là người có bản lĩnh, lấy “tâm đạo” để chế ngự “tà đạo”.
       2. Giáo dục truyền thống trọng nhân nghĩa: Người học võ là để giữ thân, giữ nhà, cứu người, giúp nước, giúp đời khi gặp gian nguy. Người có võ công càng cao, thì đức lại càng khiêm nhường, không phô trương, kiêu ngạo.
      3. Giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo: Môn sinh nghề võ phải tôi luyện đạo đức, tư cách, về sự trung thành với môn phái, tuân thủ môn quy, đặc biệt là tôn sư trọng đạo, kính trọng tổ nghề, xả thân vì nguồn cội.
       Từ thời Tây Sơn, di sản Võ cổ truyền Bình Định luôn được gìn giữ, bồi đắp và phát huy. Từ năm 2006 đến nay, Bình Định đã tổ chức 07 kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, là nơi giao lưu di sản Võ cổ truyền từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với di sản Võ cổ truyền Bình Định, chứng minh Võ cổ truyền Bình Định không những có bề dày lịch sử võ học, thể hiện sự đậm nét và phong phú của một di sản văn hóa phi vật thể ảnh hướng sâu rộng và giao lưu, lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Võ cổ truyền Bình Định cũng đã có nhiều võ đường được thành lập, thực hành và truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới. Với những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh Võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định, đang thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Trong số nghệ nhân đang nắm giữ Võ cổ truyền Bình Định, hiện có 04 Nghệ nhân ưu tú, 02 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 Huấn luyện viên và hơn 10 nghìn người đang theo học tại Bình Định.
       Thực hiện quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trong những năm qua, được sự đồng ý, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng và đệ trình hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam tới UNESCO đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương liên quan thực hiện hiệu quả. Đến nay, đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam phân bố ở 61 tỉnh, thành phố được UNESCO ghi danh vào các Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 03 di sản đã trình UNESCO và sẽ được xem xét trong các kỳ họp tới, 02 Hồ sơ di sản đang được xây dựng.
       Tháng 3/2021, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng Hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định đề nghị ghi danh vào các Danh sách của UNESCO. Thực hiện quy định tại Điều 19 của Luật Di sản văn hóa, Điều 6 của Nghị định 98/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định tiêu chí lựa chọn và trình tự, thủ tục lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đề nghị UNESCO ghi danh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu và nhận thấy hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định có khả năng đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1, Điều 6 của Nghị định 98/2010/NĐ-CP và các quy định tại Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, có thể xây dựng Hồ sơ để trình vào các Danh sách của UNESCO.
       Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản số 3831/BVHTTDL-DSVH ngày 15/10/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép Bộ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Võ cổ truyền Bình Định và di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Chèo (theo đề nghị của UBND tỉnh Thái Bình) trình UNESCO.
       Ngày 20/10/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 7611/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Hồ sơ 02 di sản văn hóa phi vật thể: Võ cổ truyền Bình Định và Nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
                                                       
                                               Tin: Trọng Hiếu; Ảnh: Huyền Trân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

27-CTr/TU

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH TW Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ tri thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới

Thời gian đăng: 27/03/2024

lượt xem: 118 | lượt tải:62

04/CT-UBND

CHỈ THỊ Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến gắn với đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Thời gian đăng: 12/03/2024

lượt xem: 76 | lượt tải:40

76/BC-SVHTT

BC Công khai số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước Quý IV năm 2023

Thời gian đăng: 12/04/2024

lượt xem: 85 | lượt tải:25

79/BC-SVHTT

BC Công khai số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

Thời gian đăng: 12/04/2024

lượt xem: 82 | lượt tải:25

555/QĐ-SVHTT

QĐ Về việc công bố công khai dự toán ngân sách năm 2024 của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định

Thời gian đăng: 12/04/2024

lượt xem: 85 | lượt tải:29
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay198
  • Tháng hiện tại28,133
  • Tổng lượt truy cập3,390,496
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây