XUÂN NHÂM DẦN NHỚ VỀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN KỶ DẬU 1789
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 đã trải qua 233 năm (1789 - 2022), nhưng hùng khí sức xuân của dân tộc và hình ảnh người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ vẫn luôn sáng ngời trên trang sử vàng chống ngoại xâm và khắc sâu trong lòng mỗi người dân đất Việt.
Vào cuối thế kỷ XVIII, trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến loạn, ở Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê; ở Đàng Trong chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân rơi vào cảnh lầm than, khổ cực, đất nước đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đó, năm 1771 cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dấy lên từ ấp Tây Sơn thượng đạo dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các anh hùng hào kiệt và sĩ phu yêu nước hưởng ứng. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng phát triển thành phong trào giải phóng dân tộc rộng lớn trên quy mô cả nước, tiến đến quét sạch những bất công thối nát của các vương triều phong kiến suy vi, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc.
Biểu diễn nhạc võ Tây Sơn và múa cờ.
Dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh Tây Sơn và người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, nghĩa quân Tây Sơn đã lập nên những chiến công vang dội ở Phú Yên, Phú Xuân, làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm xâm lược, rồi tiến quân ra Bắc diệt Trịnh, sắp xếp cơ đồ giao lại cho nhà Lê, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm. Trước tinh thần bạc nhược “cõng rắn cắn gà nhà” của vua Lê Chiêu Thống đã tạo cơ hội cho nhà Thanh đem quân sang thôn tính nước ta. Trong bối cảnh ấy, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788), Nguyễn Huệ đã “ứng mệnh trời thuận lòng người”, lên ngôi Hoàng đế tại Phú Xuân, lấy niên hiệu là Quang Trung, thống lĩnh đại binh tiến quân ra Bắc Hà thực hiện trọng trách cứu nước ra khỏi họa xâm lăng, đưa Nhân dân thoát vòng nước lửa.
Với sự chỉ huy hành binh thần tốc của vua Quang Trung và kế hoạch tiến công hết sức hoàn hảo quyết tâm tiêu diệt địch, đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu, đại quân Tây Sơn xuất phát từ phòng tuyến Tam Điệp tiến ra Thăng Long bằng nhiều mũi tiến công kết hợp từ nhiều hướng. Cánh quân chủ lực do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đã nhanh chóng hạ đồn Gián Khẩu ở Ninh Bình. Đêm mồng 3 tháng giêng, Quang Trung cho bao vây đồn Hà Hồi, trước sự áp sát quá nhanh của nhà Tây Sơn, quân Thanh không kịp trở tay phải kéo nhau ra hàng. Rạng sáng ngày mồng 5 Tết, quân Tây Sơn công kích dữ dội đồn Ngọc Hồi và Khương Thượng, các tướng giặc là Hứa Thế Hanh và Sầm Nghi Đống kẻ tử trận, người thắt cổ tự vẫn, còn Tôn Sĩ Nghị nửa đêm được tin báo đã hoảng hốt tháo chạy về nước. Tàn quân của địch một phần bị chết đuối khi chạy qua sông Hồng, phần bị các cánh quân của ta chặn đánh và tiêu diệt ở các hướng. Chỉ sau 5 ngày đêm, toàn bộ hệ thống phòng thủ và sức chống đỡ của quân Thanh đã bị đập tan.
Nhà Thượng điện trong di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn tam kiệt
Trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu, trong rừng hoa đào tươi thắm của đất Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung trên mình voi chiến, áo bào sạm đen khói súng cùng đoàn quân chiến thắng tiến vào kinh thành trong niềm hân hoan vô bờ của thần dân được thoát ách áp bức của ngoại bang. Đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa giải phóng Thăng Long đã ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, thể hiện ý chí độc lập tự chủ của dân tộc ta được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 là một trong những chiến công hiển hách, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Đó là chiến thắng tiêu biểu cho đỉnh cao phát triển của phong trào Tây Sơn được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của nông dân kết hợp với truyền thống yêu nước và đoàn kết của cả dân tộc, chiến thắng của quyết tâm và ý chí “đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử không chỉ là dịp để chúng ta ôn lại tinh thần của cuộc tiến công thần tốc và chiến tích chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc, mà còn làm sống dậy hùng khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi của các lãnh tụ Tây Sơn kiệt xuất và người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, một thiên tài quân sự, thần tốc, bách chiến bách thắng, một vị minh quân với tấm lòng đãi sĩ chiêu hiền, thuyết phục cựu thần, khuyến trọng hiền tài, mở mang nông thương, chấn hưng giáo dục, cải cách văn hóa vượt khuôn thước sáo mòn thời đại.
Hơn hai thế kỷ đã trôi qua, từ lòng dân Bình Định đến lòng dân cả nước khôn nguôi khâm phục, tưởng vọng những người anh hùng nông dân quật khởi, các tướng lĩnh oai hùng, tài hoa trong sự nghiệp của nhà Tây Sơn. Trên đất Bình Định và khắp đất nước Việt Nam hôm nay còn lưu dấu nhiều sự tích đẹp đẽ và những di tích quý báu về phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung mà được bao thế hệ luôn trân trọng gìn giữ. Nhiều năm qua, Nhà nước cùng Nhân dân đã đầu tư công sức giữ gìn, phát huy và tôn vinh các di sản văn hóa, các giá trị lịch sử tốt đẹp mà triều đại Tây Sơn đã để lại. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã đề ra nhiều chủ trương, kế hoach, dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh gắn với phát triển du lịch, nhất là các di tích liên quan phong trào Tây Sơn.
Trong đó, Bảo tàng Quang Trung và di tích quốc gia đặc biệt Khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt đã được quy hoạch xây dựng tôn tạo hoàn chỉnh các khu chức năng. Năm 2020 hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp nhà trưng bày Bảo tàng; xây dựng mới nhà căn tin - bán hàng lưu niệm; tôn tạo sân đường hành lễ, kè mương Văn Phong, lát đá quanh bờ hồ cảnh, cầu cảnh. Năm 2021 thi công xây dựng mở rộng Khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt, xây dựng hoàn thành công trình Nhà tiền bái (thờ văn thần, võ tướng), Nhà thượng điện (thờ ba vua); thi công nâng cấp Phương đình (Nhà bia) và Nhà tiền tế (thờ thân phụ, thân mẫu và gia tiên); triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu C, phục dựng cảnh quan di tích Bến Trường Trầu; đồng thời khởi công xây dựng công trình Đền thờ Võ Văn Dũng tại xã Tây Phú, huyện Tây Sơn nhằm phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống lịch sử về phong trào Tây Sơn. Các công trình, hạng mục được đầu tư gắn kết nhằm đưa di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt trở thành điểm đến du lịch phục vụ du khách trong nước và quốc tế, tạo tiền đề tôn vinh xứng đáng sự nghiệp của triều đại Tây Sơn và công lao cống hiến của Hoàng đế Quang Trung, để sự nghiệp vẻ vang của phong trào Tây Sơn mãi mãi đi vào lòng dân như một khúc ca hùng tráng trong lịch sử dân tộc.
Các mùa xuân đại thắng giặc ngoại xâm đã nối tiếp nhau bồi đắp sự trường tồn và sức mạnh vươn lên rạng rỡ hùng khí sức xuân của dân tộc. Tinh thần chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa Xuân Kỷ Dậu 1789 bất tử và khí thế thần tốc, bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung mãi mãi được phát huy và tiếp thêm sức mạnh để dẫn dắt quê hương, đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên những kỳ tích anh hùng của thời đại mới, đưa đất nước ta phát triển phồn vinh, giàu đẹp, Nhân dân ta đi tới cuộc sống thịnh vượng, no ấm, hạnh phúc.
Từ Huyền Trân