Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, tiếp tục củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 3899/QĐ-UBND ngày 23/11/2022 về Kế hoạch triển khai thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức khảo sát di tích quốc gia Gộp nước Ló tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa vũ trang tại làng Tờ Lok và Tờ Lek trong cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh vào ngày 06/2/1959 để định hướng đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích này.
Bia di tích lịch sử Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh
Dưới thời Mỹ Diệm, nhân dân Bình Định nói chung và nhân dân Vĩnh Thạnh nói riêng luôn bị địch khủng bố, đàn áp dã man. Ở Bình Định địch điên cuồng đẩy mạnh đánh phá khắp nơi, nhất là khu vực miền núi. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Định và Đảng bộ địa phương, ngày 06/2/1959 nhân dân 12 làng thuộc hai xã Vĩnh Hiệp và xã Vĩnh Hảo đồng loạt đứng lên, tự vũ trang, chống dồn dân, đưa dân vào làng bí mật, lập phòng tuyến chiến đấu, chặn đánh địch đi càn vào làng, phong trào được nhân rộng ra các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Châu… và sau đó tỏa khắp huyện.
Tiêu biểu là sự kiện khởi nghĩa vũ trang tại làng Tờ Lok và Tờ Lek của đồng bào Bana vào ngày 17/3/1959. Tờ Lok và Tờ Lek là hai làng có truyền thống cách mạng, là địa bàn Tỉnh ủy Bình Định chọn làm căn cứ trong những năm đầu của cách mạng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân hai làng đã sử dụng mọi hình thức đấu tranh làm thất bại âm mưu của quân thù. Với hình thế núi non hiểm trở bao quanh khu vực Gộp Nước Ló, những hóc đá là nơi quân dân địa phương mai phục đánh địch, lập nên chiến công vang dội.
Đoàn khảo sát di tích Gộp Nước Ló
Thắng lợi của nhân dân hai làng Tờ Lok và Tờ Lek đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược của chính quyền Mỹ - Diệm trên một địa bàn quan trọng, bảo vệ vững chắc căn cứ cách mạng. Chiến thắng này đã làm dấy lên phong trào đấu tranh vũ trang chống lại kẻ thù, mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Bình Định. Đối với toàn miền Nam, cuộc nổi dậy ở Tờ Lok và Tờ Lek cũng là những tiếng súng giòn giã trong loạt đạn đầu tiên của cuộc chiến tranh cách mạng. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT ngày 30/12/2002.
Sáng ngày 21/3/2023, Đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao do đồng chí Tạ Xuân Chánh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc, làm Trưởng đoàn đã đi khảo sát thực tế tại di tích lịch sử địa điểm Gộp Nước Ló tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, cùng đi có đồng chí Huỳnh Thị Anh Thảo - Phó Giám đốc Sở, đại diện các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định và các phòng chuyên môn trực thuộc Sở. Về phía huyện Vĩnh Thạnh tham gia khảo sát, có đồng chí Bùi Tấn Thành - Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo các Phòng: Văn hóa và Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh và lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh.
Ấn tượng trước vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên cũng như những sự kiện lịch sử được ghi dấu tại nơi đây, qua trao đổi với các đại biểu trong đoàn công tác và lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh, đồng chí Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất sớm có phương án thiết kế để từng bước tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Gộp Nước Ló trong thời gian từ nay đến năm 2025. Trước mắt cần ưu tiên đầu tư thực hiện đường dẫn vào di tích, bãi đậu xe, nhà lưu niệm, chòi nghỉ chân, khu cắm trại dã ngoại... xứng tầm là địa chỉ đỏ để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ biết trân trọng lịch sử, tự hào về truyền thống cách mạng của dân tộc và tạo điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình du ngoạn của du khách thập phương khi đến tham quan, thưởng ngoạn tại Bình Định.
Tin và ảnh: Đặng Hữu Tiến