Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc với những nét đẹp riêng độc đáo, đồng thời là tác phẩm Hộ pháp đại diện cho phong cách lớn, phong cách Bình Định của nghệ thuật điêu khắc Champa.
Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bình Định)
Ngày 25/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận 23 bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021), trong đó có Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa (niên đại: thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định). Trước đó, tỉnh Bình Định có 8 bảo vật được công nhận bảo vật quốc quốc gia gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, công nhận năm 2015; phù điêu thần Brahma, công nhận năm 2016; cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn, công nhận năm 2017; phù điêu nữ thần Sarasvati, công nhận năm 2020 (hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Định); hai tượng Hộ pháp (hiện lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) và tượng thần Shiva (hiện lưu giữ tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn).
Phù điêu thuộc thế kỷ XII
Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa (Dvarapala) được phát hiện tại phế tích có tục danh gò Mả Chùa, thuộc thôn Đại Hòa, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn. Năm 1992, người dân địa phương đã phát hiện phù điêu này trong lòng đất, với tư thế nằm sấp. Phế tích gò Mả Chùa nằm phía Tây của thành Đồ Bàn, kinh đô vương quốc Champa xưa. Hiện trạng phế tích là một gò đất nằm giữa khu dân cư, trên bề mặt gò ngày nay còn nhiều loại vật liệu kiến trúc Champa nằm trên mặt đất như: Mảnh gạch, đá ong, gốm trang trí điểm góc..., với phạm vi phân bố rộng khoảng 5.000m2. Điều này chứng tỏ nơi đây từng tồn tại kiến trúc tôn giáo của người Champa.
Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa có chiều cao 110cm, rộng 49cm, dày 38cm với trọng lượng 500kg. Phù điêu được chạm nổi trên khối sa thạch, thể hiện là một nam thần. Thần đội vương miện (mukuta) hai tầng: Tầng trên trang trí năm hình tam giác nhọn liên tiếp, tầng dưới để trơn, viền mũ được tạo bởi những đường giật cấp nhỏ chạy qua hai bên mang tai, ôm lấy phía sau gáy; khuôn mặt vuông dữ tợn, đôi mày cong dày chạm nổi gần như nối liền nhau, đôi mắt mở to, tròng mắt lồi ra, cánh mũi nở, bộ ria mép hai bên có đầu mút nhọn uốn cong rồi thòng xuống; miệng rộng, cặp răng nanh hàm trên chìa ra sắc nhọn; đôi tai to dài, đeo vòng trang sức lớn chấm xuống hai bên vai; cổ ngắn, ngực trang trí hình bông hoa bốn cánh, thân đeo sợi dây Bà-la-môn, vòng từ trên cổ xuống, sau đó vòng ra phía sau thân, hai đầu rắn xoắn lại với nhau rồi nhô ra phía trước bụng đan chéo trước thân của thần Hộ pháp; cổ tay, bắp tay, cổ chân đều đeo vòng trang sức. Đồ trang sức là những vòng kiềng để trơn, không trang trí hoa văn; tay trái đưa thẳng lên cao ngang đầu, bàn tay cầm chùy và tay phải tỳ lên đầu gối rồi gập mạnh đưa ra ngang trước bụng, tay cầm dao găm, mũi dao hướng xuống dưới. Thần trong tư thế vững chãi, chân phải gập chùng xuống và chân trái quỳ đầu gối sát đất. Thần mặc chiếc quần ngắn (sampot) bó sát đùi, với nhiều nếp gấp; thân trước sampot phủ xuống phía dưới che bàn chân phải; sampot dài, hình tam giác nhọn, phần đầu nhọn của sampot uốn cong lại.
Về niên đại, qua nghiên cứu và đối chiếu với các tượng Hộ pháp, PGS.TS Ngô Văn Doanh cho rằng phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa thuộc phong cách nghệ thuật điêu khắc Tháp Mẫm, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XII. Ông cho rằng, định niên đại đầu thế kỷ XII cho phù điêu gò Mả Chùa là vì: Tuy đã mang trong mình một số biểu hiện đặc trưng của phong cách Tháp Mẫm, nhưng ở phù điêu gò Mả Chùa có một số yếu tố, đặc biệt là các chi tiết của khuôn mặt, vẫn còn gần với các tượng Hộ pháp của các phong cách trước, đặc biệt là của các phong cách Trà Kiệu và Chánh Lộ. Do vậy, phù điêu gò Mả Chùa là pho tượng Hộ pháp đầu tiên của nhóm tượng Hộ pháp thuộc phong cách nghệ thuật Bình Định.
Phù điêu có hình thức độc đáo
Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa có hình thức thể hiện độc đáo so với các pho tượng thần Hộ pháp khác. Đây là một tác phẩm điêu khắc đạt giá trị mỹ thuật, nguyên vẹn nhất, hoàn chỉnh nhất, nghệ thuật tạo hình khác biệt và sinh động so với các pho tượng thần Hộ pháp đã được biết trong nghệ thuật điêu khắc Champa.
Các pho tượng thần Hộ pháp thường được thể hiện bằng tượng tròn theo cặp đối xứng, hai tượng thường được đặt hướng vào nhau trước cửa ra vào của những ngôi đền tháp. Về dấu vết chạm khắc trên thân tượng của phù điêu, phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa được thể hiện chạm nổi ba mặt; thần không đứng độc lập mà được gắn ốp lưng vào hai ô tường ở hai bên cửa ra vào (hoặc cửa giả) của một ngôi đền thờ xưa. PGS.TS Ngô Văn Doanh nhận xét: “Cái riêng và cái khác dễ thấy nhất của Hộ pháp Mả Chùa là chất phù điêu chạm nổi của hình tượng, trong khi đó, tất cả các tượng Hộ pháp còn lại (các Hộ pháp “chiến đấu”) đều là tượng tròn”.
Thần Hộ pháp Mả Chùa là phù điêu mang những đặc trưng của phong cách Bình Định (phong cách Tháp Mẫm). Ông Ngô Văn Doanh khẳng định phù điêu thần Hộ pháp gò Mả Chùa là một đóng góp mới về loại hình cho di sản tượng Hộ pháp của Champa: Là tác phẩm phù điêu chạm nổi hình Hộ pháp đầu tiên của Champa mà cho đến nay chúng ta biết được.
Như vậy, phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc với những nét đẹp riêng độc đáo, đồng thời là tác phẩm Hộ pháp đại diện cho phong cách lớn, phong cách Bình Định của nghệ thuật điêu khắc Champa.
Quang Lợi