Vừa qua, tại Khu di tích lịch sử quốc gia Gò Dài (xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, Bình Định), Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN huyện Tây Sơn đã tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 56 năm vụ thảm sát Bình An, nơi 380 người dân ở huyện Tây Sơn và thị xã An Nhơn bị lính Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) sát hại dã man vào ngày 26/2/1966. Tham dự buổi tưởng niệm, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng Đoàn viên thanh niên Sở Văn hóa và Thể thao đã dâng hóa, dâng hương tưởng niệm những đồng bào vô tội bị sát hại trong cuộc thảm sát.
Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao cùng đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh
dâng hương tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Bình An
Vụ việc bắt đầu vào ngày 23/1/1966, khi quân lính thuộc sư đoàn bộ binh “Mãnh Hổ” Hàn Quốc bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công vào xã Bình An (nay là xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Chúng bao vây từ tứ phía với quyết tâm tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân Giải phóng, nhưng đã bị đánh trả quyết liệt. Tức tối vì không đạt được mục đích, ngày 7/2/1966, quân Hàn Quốc tiến hành một chiến dịch tấn công bằng vũ khí hạng nặng. Từ sáng sớm, các đơn vị pháo binh nã đạn cấp tập vào Bình An. Khi pháo ngừng, lính Hàn Quốc lập tức ập đến. Chúng tìm kiếm các hầm trú ẩn của dân ven làng, thả lựu đạn cay bắt mọi người phải chui ra lên rồi thả sức tàn sát. Chúng xả súng bắn vào bất cứ ai gặp trên đường hoặc bắt rồi hành hạ cho đến chết.
Đoàn viên thanh niên Sở Văn hóa và Thể thao dâng hương
Ngày 26/2/1966 đi vào lịch sử xã Bình An cũng như lịch sử tỉnh Bình Định như là một ngày đẫm máu và nước mắt với sự kiện thảm khốc diễn ra tại Gò Dài (thôn An Vinh, huyện Tây Sơn và và các xã Nhơn Mỹ, Nhơn Phúc, Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn). Trước khi kết thúc chiến dịch thảm sát kéo dài 3 tuần lễ, bọn lính Nam Hàn đã dồn tất cả những người chúng bắt được ở các nơi về đây và giết hại 380 người dân vô tội bằng những hành động man rợ nhất trong chưa đầy một giờ.
Vụ thảm sát đã gây nên nỗi kinh hoàng. Tổng cộng có trên 1.000 dân lành bị giết hại, trong đó phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em. 1.535 trong tổng số 1.592 ngôi nhà bị tàn phá, 649 con trâu, bò bị bắn chết… Sự sống ở xã Bình An bị hủy diệt đến nỗi dân các làng không thể tiếp tục sinh sống được nữa phải phiêu bạt đi khắp nơi, đến 2 năm sau mới có người trở về. Từ một làng quê trù phú, Bình An bao trùm một không khí chết chóc, hoang tàn. Di tích còn lại về vụ thảm sát Gò Dài là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng 1,5m chôn xác 380 nạn nhân. Vụ thảm sát Bình An là điển hình trong tổng thể di tích tội ác ở Bình Định. Khu tưởng niệm Gò Dài đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng quốc gia vào năm 1988./.
Thùy Vinh